01/04/2021 16:09 GMT+7
Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, Đông Nam Á ghi nhận mức sụt giảm thấp nhất về vốn đầu tư khởi nghiệp so với các nước đang phát triển khác, chẳng hạn như Ấn Độ (-31%) và châu Phi (-38%).
|
Một lái xe của Gojek. (Nguồn: AFP) |
Theo Công ty đầu tư vốn mạo hiểm Cento Ventures của Singapore, các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ Đông Nam Á đã huy động thành công 8,2 tỷ USD qua 333 giao dịch vào năm 2020, trong đó gần 50% đầu tư vào các công ty kỳ lân - những startup được định giá trên 1 tỷ USD - gồm Grab của Malaysia, Gojek, Bukalapak và Traveloka của Indonesia.
Tổng số vốn được huy động nói trên giảm 3,5% so với năm 2019 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Các thương vụ giao dịch trên 100 triệu USD chiếm 57% tổng vốn đầu tư, trong khi các giao dịch từ 50-100 triệu USD đạt mức kỷ lục 1,1 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2019.
Báo cáo của Cento được công bố hôm 28/3 cho thấy bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, Đông Nam Á ghi nhận mức sụt giảm thấp nhất về vốn đầu tư khởi nghiệp so với các nước đang phát triển khác, chẳng hạn như Ấn Độ (-31%) và châu Phi (-38%).
Theo báo cáo trên, dịch COVID-19 đã gây tác động khác nhau tại mỗi quốc gia. Các startup ở Mỹ và châu Âu đã ghi nhận các kỷ lục đầu tư mới vào năm ngoái, với giá trị đầu tư tăng lần lượt là 13% và 15%. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đạt mức tăng trưởng 6%.
Cũng theo Cento, hơn một nửa vốn đầu tư vào các startup công nghệ của Đông Nam Á tập trung vào các “siêu ứng dụng” và các nhà bán lẻ trực tuyến, với tổng trị giá hơn 4 tỷ USD. Các lĩnh vực khác ghi nhận sự quan tâm gia tăng gồm thanh toán, hậu cần và dịch vụ địa phương.
Đầu tư vào các startup thanh toán và dịch vụ tài chính khác hiện trở thành lĩnh vực lớn nhất sau lĩnh vực đa ngành. Cụ thể, một nửa vốn đầu tư vào lĩnh vực này tập trung vào các startup về thanh toán, phần còn lại vào các loại hình startup công nghệ tài chính (FinTech) khác.
Năm 2020, các startup Indonesia chiếm tới 70% tổng vốn đầu tư khởi nghiệp của khu vực. Indonesia và quốc gia láng giềng Singapore cũng chiếm tới 64% tổng số giao dịch. Số vốn đầu tư vào Indonesia chủ yếu tập trung vào “siêu ứng dụng” Gojek, được Bukalapak, Waresix, Kopi Kenangan và LinkAja hậu thuẫn.
Trong năm 2020, Indonesia tiếp tục có thêm các công ty khởi nghiệp có mức định giá hơn 250 triệu USD, gồm Kopi Kenangan, Guru ’Room, SiCepat, Akulaku, Sociolla, Pasar Polis, Halodoc, Modalku, Xendit và FinAccel.
Tại Đông Nam Á, SEA Group - công ty mẹ của Shopee - đã đạt mức vốn hóa thị trường khoảng 50 tỷ USD. Bên cạnh SEA Group, Grab và GoJek lọt vào danh sách các startup có mức định giá hơn 10 tỷ USD.
Trong khi đó, nhóm startup được định giá trên 1 tỷ USD gồm Traveloka, Tokopedia, Bukalapak (Indonesia), JustCo, Qoo10 (Singapore) và VNG Corp (Việt Nam)./.
(Theo Vietnam+)
Lần đầu tiên có tuyến cáp quang biển nối Đông Nam Á trực tiếp với Mỹ
Facebook và Google dự định xây hai tuyến cáp quang biển mới, kết nối trực tiếp giữa Đông Nam Á và Bắc Mỹ.
Xem Chi Tiết Ở Đây >>>
Bạn có thể quan tâm:
>> Máy nhồi bột Bear có tốt không? Địa chỉ mua máy nhồi bột Bear chính hãng
>> Nồi phủ sứ an toàn Honey's HO-AP2C182 size 18 màu vàng
>> Trên tay Galaxy A52 5G: Phiên bản nâng cấp với màn hình 120 Hz, chip Snapdragon 750G và thiết kế không đổi
0 Nhận xét