Khi nói tới nhà máy, hẳn là người ta sẽ nghĩ tới một cơ sở sản xuất khổng lồ với những ống xả nghi ngút khói. Nhưng mới đây thôi, gã khổng lồ ngành hàng tiêu dùng Unilever đã phát triển thành công được một dây chuyền sản xuất có thể nhét vừa một thùng container.
Unilever hiện đang sở hữu hơn 300 nhà máy đặt tại 69 quốc gia, nhưng đây mới chỉ là thử nghiệm đầu tiên của họ về thứ được gọi là nhà máy "tí hon/biết chạy".
Nhờ vào các dây truyền lớn, nhà sản xuất có thể tạo ra một số lượng lớn sản phẩm. Song việc sử dụng chúng để sản xuất những lô hàng nhỏ, ví dụ như khi thử nghiệm ý tưởng mới hoặc đáp ứng nhu cầu ngắn hạn, thì lại vừa không hiệu quả, vừa gây lãng phí.
Theo Unilever thì mẫu nhà máy mới của họ có thể dễ dàng đặt trong thùng container 40 feet để vận chuyển bởi xe kéo hoặc tàu biển tới bất kì địa điểm nào. Để bắt đầu hoạt động, người ta chỉ cần gắn thêm cho nó nguồn nước và điện là được.
Mẫu nhà máy tí hon hiện đang "tọa lạc" tại Hà Lan trong phiên thử nghiệm sản xuất nước cốt đóng chai đầu tiên. Unilever cho biết rằng nó có thể làm ra 300 tấn nước cốt sau mỗi ca 8 tiếng.
Tính linh hoạt cực cao
Marc Engel, giám đốc chuỗi cung ứng của Unilever, cho biết rằng toàn bộ quá trình sản xuất có thể được diễn ra ngay bên trong chiếc container, từ bước chế biến nguyên liệu thô cho tới đóng gói thành phẩm. Vì các trang thiết bị đã được phát triển chuyên biệt cho không gian nhỏ như vậy nên sẽ tồn tại một vài điểm khác biệt so với nhà máy truyền thống, ví dụ như để tạo ra nhiệt lượng, nó sẽ sử dụng điện năng thay vì hơi nước.
Cũng theo ông Engel thì nhà máy này được số hóa hoàn toàn, và được trang bị nhiều cảm biến để gửi dữ liệu sản xuất thời gian thực về phòng điều khiển trung tâm. Và dù có một vài quy trình đã được tự động hóa hoàn toàn nhưng vẫn cần ba người để trực tiếp vận hành nhà máy: hai người để khởi động và quản lí dây truyền, một người để quản lý khâu đóng gói và chuyển hàng thành phẩm đi.
Đối với Engel, một trong những đặc tính quan trọng nhất của mẫu nhà máy tí hon này chính là tính linh động. Điểm này sẽ mang tới độ linh hoạt cao hơn để biến đổi sao cho phù hợp hơn với thị trường và nguồn nguyên liệu tại địa phương, đồng nghĩa với đó là tránh được sự lãng phí về tài nguyên và khí tải gây ra bởi quá trình vận chuyển nguyên liệu đi xa.
Ông Engel cho biết: "Mẫu nhà máy nhỏ gọn đặt vừa một thùng container này sẽ cho phép chúng tôi linh hoạt về vị trí đặt dây truyền sản xuất. Cũng nhờ đó mà sản phẩm sẽ được làm ra nhanh hơn, quy mô sản xuất cũng có thể được điều chỉnh tăng hoặc giảm nhanh chóng sao cho phù hợp với xu hướng tiêu dùng."
Mở rộng quy mô
Do ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19, phải tới đầu tháng này người ta mới bắt đầu quá trình thử nghiệm nhà máy tí hon, và dự kiến sẽ duy trì hoạt động nó trong vài tuần tiếp theo.
Ông Engel tiết lộ rằng nếu cuộc thử nghiệm này thành công, Unilever mong muốn sử dụng nhà máy này để sản xuất ra được những sản phẩm khác, đồng thời tạo ra thêm nhiều nhà máy tí hon mới.
"Hướng tiếp cận hệ thống sản xuất quy mô nhỏ này chưa hề dừng lại ở việc sản xuất nước cốt, mà nó có thể được dùng để làm mayonnnaise, kem và thậm chí là sản phẩm chăm sóc nhà cửa và sắc đẹp. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu kế hoạch cho thuê hoặc bán những đơn vị này cho các nhà doanh nhân trẻ.", ông Engel bổ sung.
Richard Wilding, giáo sư về chiến lược chuỗi cung ứng tại đại học Cranfield University, Anh, cho biết rằng nếu được tung ra với số lượng lớn, những nhà máy tí hon kiểu này có thể giúp củng cố và chuyên môn hóa mạng lưới sản xuất, song chúng cũng sẽ tạo ra những vấn đề mới của riêng mình.
"Các anh đang phân phối cơ sở sản xuất của mình ra nhiều nơi, điều này sẽ tạo ra sự linh hoạt, đặc biệt là trong thế giới thời kì Covid. Nhưng có một điều mà các anh cần phải tính toán chính là một khi sản phẩm được tạo ra, các anh sẽ làm gì để quản lí chuỗi cung ứng tới những khách hàng thực sự.", ông nói.
Ông Wilding cũng bổ sung rằng nhà máy tí hon sẽ đòi hỏi công nhân phải có thêm những kĩ năng mới, điều mà có thể là khan hiếm ở một số khu vực nhất định. Tuy nhiên, một tương lai mới của những kiểu cơ sở sản xuất vừa đủ để đáp ứng nhu cầu địa phương như này đang dần hé mở.
"Chúng ta có thể tưởng tượng ngay rằng nếu anh có một điểm bán lẻ lớn hoặc một phức hợp bán lẻ thì sao lại không đặt luôn một cái nhà máy tí hon ở đấy nhỉ? Làm thế thì nó có thể sản xuất ra chính xác thứ mà người tiêu dùng ở đấy muốn và thay đổi theo nhu cầu của họ", ông nói.
Engel dự tính rằng một mạng lưới các nhà máy tí hon sử dụng nguồn cung địa phương, và điều khiển thông qua một trung tâm tập chung có thể sẽ là một phần tương lai của Unilever.
"Mục tiêu của những nhà máy tí hon này không phải la để cạnh tranh với các cơ sở có quy mô lớn, mà là để tạo ra một mạng lưới dây truyền sản xuất nhỏ, giúp Unilever đổi mới linh hoạt hơn. Trong tương lai rất có thể ta sẽ được thấy một mô hình mới, và năng động sử dụng nguồn cung địa phương xuất hiện khắp nơi trên toàn thế giới nhưng lại có thể vận hành thông qua chỉ một trung tâm điều khiển", ông mường tượng.
Trung ND theo CNN
Xem Chi Tiết Ở Đây >>>
Bạn có thể quan tâm:
>> Máy nhồi bột Bear có tốt không? Địa chỉ mua máy nhồi bột Bear chính hãng
>> Nồi phủ sứ an toàn Honey's HO-AP2C182 size 18 màu vàng
>> Trên tay Galaxy A52 5G: Phiên bản nâng cấp với màn hình 120 Hz, chip Snapdragon 750G và thiết kế không đổi
0 Nhận xét