Sau nhiều tháng thẳng tay chống độc quyền đối với các đại gia công nghệ, giới chức Trung Quốc giờ lại chuyển sang bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu như một bước tiếp theo trong chiến dịch ngăn các công ty tiếp nhận nguồn đầu tư toàn cầu.
Vừa qua, ứng dụng gọi xe phổ biến ở Trung Quốc, Didi đã bị Bắc Kinh trừng phạt và yêu cầu gỡ khỏi các kho ứng dụng vì vi phạm luật thu thập thông tin nhạy cảm của người dùng. Điều này đã khiến cổ phiếu công ty giảm mạnh gần 20% vào hôm 6/7 chỉ sau vài ngày phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ.
Về phần mình, Didi cho biết sẽ "cố gắng khắc phục mọi vấn đề" và "bảo vệ quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu của người dùng và ngăn ngừa các rủi ro an ninh mạng". Song, đợt sóng lần này đối với Didi đã đặt ra nhiều thách thức đối với hoạt động kinh doanh, đặc biệt là doanh thu ở Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng. Trước đó, Didi là dịch vụ đặt xe thống trị tại thị trường đại lục khi đánh bại đối thủ Uber của Mỹ vào năm 2016.
Theo CNN, Didi không phải là công ty duy nhất lọt vào tầm ngắm của Bắc Kinh thời gian gần đây. Dịch vụ cho thuê xe tải Full Truck Alliance và nền tảng tuyển dụng trực tuyến Kanzhun cũng bị các cơ quan quản lý Trung Quốc nhắm đến với nguyên do "ngăn chặn rủi ro an ninh dữ liệu quốc gia". Cả hai công ty đều có điểm chung là vừa tiến hành IPO tại Mỹ. Sau khi thông tin bị điều tra được thông báo, cổ phiếu của Full Truck Alliance và Kanzhun đã giảm lần lượt 11% và 12% trong tuần này.
Nhà nghiên cứu Alex Capri làm việc tại Hinrich Foundation (Singapore) cho biết động thái của chính phủ Trung Quốc với Didi và các công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ cho thấy chính sách của giới chức đại lục với các công ty công nghệ nước này đã bước sang một giai đoạn mới.
"Dữ liệu giờ đây được xem như quân bài chiến lược, đặc biệt là khi AI, thuật toán và máy học vốn đang phát triển mạnh mẽ, kết hợp cùng các hoạt động đẩy mạnh Internet trong nước được chính phủ tài trợ, thì lại càng trở nên phổ biến", Capri phân tích.
Ông nói thêm khi công nghệ điện toán được cải tiến, kho dữ liệu khổng lồ do các công ty lớn nắm giữ sẽ càng trở nên quan trọng đối với các quốc gia.
Có thể thấy, minh chứng cho giai đoạn mới là các hành động của chính phủ Trung Quốc đều nhằm vào các công ty lớn có mối quan hệ qua lại với Mỹ. Trong khi trước đó, chiến dịch chống độc quyền của Bắc Kinh tập trung vào các hoạt động diễn ra ở nội bộ biên giới Trung Quốc.
"Trung Quốc đang rất cẩn trọng trong việc kiểm soát lượng dữ liệu người dùng mà các công ty đang nắm giữ khi chúng có nguy cơ bị thao túng bởi các lợi ích mà Mỹ mang lại", Giám đốc điều hành Brock Silvers của hãng phân tích Kaiyuan Capital cho biết.
Ra tay không khoan nhượng
Bắt đầu từ năm ngoái, giới chức Trung Quốc đã tiến hành điều tra diện rộng các công ty công nghệ. Phát súng đầu tiên mở đầu cho chiến dịch chấn chỉnh dài hạn của Bắc Kinh là vào tháng 11/2020 kih thương vụ IPO của tập đoàn tài Ant Group thuộc sở hữu của tỷ phú Jack Ma buộc phải hủy ngay phút chót vì vấn đề vi phạm độc quyền. Cuối cùng, tập đoàn Alibaba do Jack Ma đồng sáng lập phải chịu án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD vào tháng 4, trong khi Ant Group phải tái cơ cấu hoạt động theo hướng ngân hàng truyền thống.
Sau khi tiến hành điều tra Didi, các nhà cầm quyền Trung Quốc tuyên bố mở rộng chiến dịch bảo mật dữ liệu vào hôm 6/7 bằng cam kết "không khoan nhượng" trước các hoạt động chứng khoán bất hợp pháp, cũng như kiểm soát chặt chẽ khả năng niêm yết trên sàn giao dịch nước ngoài của các công ty trong nước.
Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ quy định kỹ lưỡng những loại thông tin mà các công ty công nghệ được phép truyền, gửi qua biên giới quốc gia, đồng thời soạn thảo bộ quy tắc mới về cách bảo vệ dữ liệu nhạy cảm liên quan đến các cơ sở lưu trữ thông tin quốc tế.
Vấn đề bảo mật dữ liệu ngày càng được quan tâm
Từ lâu, mối lưu tâm về bảo mật dữ liệu ở Trung Quốc đã được đặt lên hàng đầu. Và hiện nay, chúng càng được ưu tiên hơn trước bối cảnh bất ổn địa chính trị. Một triển lãm về quyền người tiêu dùng được tổ chức vào đầu năm nay ở đại lục đã làm dấy lên tranh cãi về quyền riêng tư và giám sát người dùng, đồng thời các công ty có thể nhân cơ hội đưa ra quan điểm đứng về phía Bắc Kinh.
Song, một số công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc đã gặp phải vấn đề. Cụ thể là hãng xe điện Tesla, công ty do Elon Musk điều hành, đã vấp phải làn sóng phản ứng của người tiêu dùng đại lúc khi bị cáo buộc thu thập dữ liệu trên xe và gửi về Mỹ. CEO Elon Musk đã phải lên tiếng giải thích rằng xe của Tesla không bao giờ có khả năng làm gián điệp ở Trung Quốc. Công ty sau đó đã thông báo thành lập một cơ sở dữ liệu mới ở Trung Quốc để trấn an người tiêu dùng địa phương.
Hiện tại, chủ đề bảo mật dữ liệu cũng đang gây tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc, nơi nhiều người dùng kêu gọi chính quyền đặt ra những quy định cứng rắn hơn đối với các công ty như Didi để bảo vệ thông tin cá nhân của họ.
Tại đây, làn sóng chỉ trích dịch vụ đặt xe đã diễn ra sau khi một bài báo nghiên cứu từ năm 2015 tiết lộ công ty đã chia sẻ chi tiết lộ trình di chuyển của những người ra vào 17 cơ quan chính phủ lớn của Trung Quốc cho hãng thông tấn quốc gia Tân Hoa Xã. Cụ thể, dữ liệu được dùng để kiểm tra xem có bao nhiêu chiếc ôtô ra vào các khu phức hợp và sử dụng thông tin đó để đưa ra kết luận xem các chủ xe có đang làm việc đúng mục đích mà chính phủ yêu cầu hay không.
Rủi ro từ việc rũ bỏ ảnh hưởng của Mỹ đối với Trung Quốc
Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh cũng đã tô màu rất nhiều cho các đợt đàn áp công nghệ của Trung Quốc. Hai nước vẫn đang so găng với nhau ở nhiều lĩnh vực, từ công nghệ đến thương mại. Thậm chí, Mỹ còn cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở khu vực tự trị Tân Cương và lên án sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với Hong Kong.
Năm ngoái, Nhà Trắng đã gây áp lực lên các công ty Trung Quốc trên sàn giao dịch tại New York, đồng thời yêu cầu minh bạch sổ sách cho các cơ quan kế toán Mỹ nếu không muốn bị buộc phải rời sàn giao dịch.
"Chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đã cho thấy tín hiệu hướng tới việc tự chủ và ít chịu sự kiểm soát hơn của các đối tác thương mại lớn như Mỹ", Giáo sư Doug Guthrie, đứng đầu về các sáng kiến liên quan đến Trung Quốc tại Đại học Bang Arizona, cho biết.
Theo bản cáo bạch IPO của Didi, SoftBank là cổ đông lớn nhất của công ty với 21,5% cổ phần. Tiếp theo sau là Uber và gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent với mức cổ phần lần lượt là 12,8% và 6,8%.
"Kể từ sau vụ việc của Alibaba vào năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã muốn gửi đi một thông điệp rất rõ ràng đến tất cả công ty công nghệ đang hoạt động tại nước này rằng: ‘Nếu muốn hoạt động an toàn và bảo mật ở Trung Quốc, bạn cần phải đứng về phía chúng tôi'", Guthrie cho biết.
Ngoài ra, bất kỳ công ty nào có tốc độ tăng trưởng thần tốc trên phạm vi toàn cầu cũng sẽ lọt vào tầm ngắm của Bắc Kinh. Đứng trước tình thế hiện tại, các nhà đầu tư đã tỏ ra cảnh giác với các công ty đang cố gắng vượt qua ranh giới giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Các công ty Trung Quốc sẽ gặp không ít khó khăn khi vừa muốn mở rộng trên thị trường toàn cầu mà vẫn cố gắng đàm phán khi Trung Quốc thắt chặt các biện pháp kiểm soát trong nước", Capri cho biết.
Chiến dịch ra tay của Bắc Kinh đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi rằng liệu quá nhiều quy định có thể cản trở sự đổi mới của quốc gia tỷ dân hay không. Một số tỷ phú thành công nhất Trung Quốc đã phải từ bỏ vị trí lãnh đạo cấp cao tại công ty trong những tháng gần đầy.
Song họ lại viễn dẫn những lý do không liên quan đến cuộc chấn chỉnh để quay về cuộc sống thường ngày. Các chuyên gia mô tả "bầu không khí mà các đại gia công nghệ Trung Quốc đang hít thở ngày càng trở nên độc hại".
Hiện tại, Didi và các công ty "chỉ được phép niêm yết và huy động vốn ra nước ngoài khi các cơ quan quản lý hoàn tất điều tra. Điều này thực sự gây rắc rối, không công bằng với các nhà đầu tư và đặt ra câu hỏi lớn liên quan đến tính toàn vẹn của thị trường", Silvers nói.
Ông cho rằng Bắc Kinh có thể trấn an các nhà đầu tư bằng cách cấm các công ty đang bị điều tra tiếp cận thị trường đại chúng. Bằng cách đó, những quy định gây bất ngờ sẽ được hạn chế. "Nhưng dù vậy, nhiều người sẽ tránh né đầu tư vào các đợt IPO của các công ty Trung Quốc".
Ngọc Diệp (Theo CNN)
Xem Chi Tiết Ở Đây >>>
Bạn có thể quan tâm:
>> Máy nhồi bột Bear có tốt không? Địa chỉ mua máy nhồi bột Bear chính hãng
>> Nồi phủ sứ an toàn Honey's HO-AP2C182 size 18 màu vàng
>> Trên tay Galaxy A52 5G: Phiên bản nâng cấp với màn hình 120 Hz, chip Snapdragon 750G và thiết kế không đổi
0 Nhận xét