Fujifilm đã tìm ra những thị trường ngách quan trọng và thu về lợi nhuận kỷ lục trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống.
Fujifilm, một trong những công ty Nhật vẫn tiếp tục tồn tại bất chấp thị trường nhiếp ảnh truyền thống đang dần suy giảm vẫn thu về lợi nhuận kỷ lục nhờ nỗ lực dạng hóa các lĩnh vực kinh doanh, từ thuốc và mỹ phẩm đến các vật liệu tiên tiến, camera,…
Người đã vực dậy và đưa Fujifilm băng băng tiến về phía trước là Shigetaka Komori. Hơn 20 năm miệt mài làm việc ở Fujifilm, Komori đã giúp cho công ty có tuổi đời hơn 87 năm này tiếp tục phát triển như hiện nay. Nhờ kinh nghiệm đi đầu trong công nghệ làm máy ảnh phim và sau này là máy ảnh số, bên cạnh đó là các thương vụ mua lại chiến lược đã giúp công ty không chỉ có lợi thế trên thị trường máy ảnh mà còn cả trong lĩnh vực dược phẩm sinh học.
Nhờ việc đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh nên Fujifilm đã gặt hái được những thành quả quan trọng khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Takatoshi Ishikawa, phó chủ tịch điều hành cấp cao của Fujifilm chia sẻ với hãng thông tấn AP cho biết, các lĩnh vực kinh doanh của Fujifilm hầu như đều có sự kết nối theo nhiều cách.
Fujifilm đã tận dụng tối đa "thế mạnh" của mình, chẳng hạn như chuyên môn về vật liệu để có thể bổ trợ và phát triển chung cho nhiều mảng kinh doanh.
Mặc dù doanh thu của Fujifilm đã sụt giảm do đại dịch nhưng công ty vẫn ghi nhận mức lợi nhuận ròng kỷ lục 1,6 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021, tăng 45% so với một năm trước đó.
Công nghệ y tế của Fujifilm được sử dụng để tạo ra kháng nguyên cho vắc xin phòng Covid-19 có tên Novavax, mặc dù nó vẫn chưa được phê duyệt ở Nhật Bản. Ngoài ra Fujifilm cũng chuyên về công nghệ nano được sử dụng trong vắc xin mRNA, chẳng hạn như công nghệ của Pfizer và Moderna.
Fujifilm đã phát triển một thử nghiệm PCR đối với SARS-CoV2 và cho kết quả chỉ trong 75 phút. Các phương pháp cũ hơn thường yêu cầu vài giờ. Vào tháng 3, Fujifilm đã phát triển thành công bộ test nhanh các biến thể COVID-19. Trong khi đó, thuốc cúm Avigan của hãng cũng đang được thử nghiệm lâm sàng để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Kenshu Kikuzawa, giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Keio của Tokyo cho biết, công ty đủ năng lực để làm mới bản thân và tiếp tục phát triển. Đó là điều mà các công ty Nhật Bản nên học hỏi và tuân thủ. Họ hãy làm những gì họ giỏi nhất, chẳng hạn như sản xuất và vật liệu.
Các chuyên gia cho rằng, cái chết của thương hiệu Kodak đồng thời là đối thủ trước đây của Fujifilm là điều không cần bàn cãi. Bởi lẽ sau khi xu hướng máy ảnh số dần thay thế máy ảnh phim bắt đầu nở rộ, Kodak đã không thể "chuyển mình" thật nhanh để vượt qua cơn giông bão đó.
Trước đó Kodak dự tính chuyển sang lĩnh vực dược phẩm, thậm chí mua lại Sterling Drug vào năm 1988 nhưng đã bán lại công ty dược phẩm này vào năm 1994. Trong năm 2020 vừa qua, công ty tiếp tục báo cáo khoản lỗ ròng 541 triệu USD.
Fujifilm đã có một chân trong cuộc cạnh tranh với Kodak kể từ khi giành được hợp đồng tài trợ cho Thế vận hội Los Angeles vào năm 1984.
Các công ty Nhật Bản luôn biết cách tồn tại lâu dài
Trong khi các doanh nghiệp Mỹ thường xuất sắc trong đổi mới và khởi nghiệp, dẫn tới việc chiến lược doanh nghiệp thường chỉ tập trung vào ngắn hạn. Do đó không ngạc nhiên nhiều công ty Mỹ có tuổi thọ trung bình không quá dài và thường chỉ có thể niêm yết đại chúng dưới 20 năm.
Trong khi đó nhiều công ty Nhật Bản vẫn có thể tồn tại trong một thời gian dài. Theo đánh giá của công ty nghiên cứu Tokyo Shoko Research, tuổi thọ trung bình của nhiều công ty Nhật Bản niêm yết trên sàn chứng Tokyo có thể lên tới gần 90 năm.
Để làm mới và tạo thêm nhiều động lực tăng trưởng khác ngoài công nghệ máy ảnh, Fujifilm đã áp dụng các kỹ thuật ở cấp độ vi mô để tạo màng màu trong cho dược phẩm và mỹ phẩm, sau đó dần mở rộng sang công nghệ y tế tiên tiến, vốn là trọng tâm chiến lược của hãng. Công nghệ xử lý màng này rất hữu ích để tăng cường khả năng hấp thụ mỹ phẩm trên da.
Fujifilm đã mua lại nhà sản xuất thiết bị siêu âm SonoSite của Mỹ, công ty công nghệ chăm sóc sức khỏe Irvine Scientific and Cellular Dynamics, công ty đi đầu trong việc nghiên cứu và sản xuất iPSC, chìa khóa trong các liệu pháp tế bào.
Vào năm 2011, Fujifilm còn mua lại nhà sản xuất dược phẩm sinh học theo hợp đồng hàng đầu Merck&Co. Tại Nhật Bản, Fujifilm đã mua lại Toyama Chemical Co vào năm 2008. Đầu năm nay, Fujifilm tiếp tục mua lại mảng kinh doanh liên quan đến chẩn đoán hình ảnh của Hitachi.
Về phần Komori, ông trở thành chủ tịch của Fujifilm vào năm 2000, ngay khi nhu cầu về phim chụp ảnh trên toàn cầu đạt mức cao nhất và sau đó giảm dần. Ông đã tiến hành cắt giảm chi phí và thực hiện một số thương vụ mua lại để xây dựng năng lực sản xuất và công nghệ của mình.
Nhằm chuẩn bị cho một thế hệ lãnh đạo mới, Komori cho biết đã đủ tự tin rời khỏi công ty sau khi đưa Fujifilm trở lại ánh hào quang xưa. Ông mới rời khỏi vị trí lãnh đạo của mình vào tháng trước.
Tiến Thanh (Theo Japantoday)
Xem Chi Tiết Ở Đây >>>
Bạn có thể quan tâm:
>> Máy nhồi bột Bear có tốt không? Địa chỉ mua máy nhồi bột Bear chính hãng
>> Nồi phủ sứ an toàn Honey's HO-AP2C182 size 18 màu vàng
>> Trên tay Galaxy A52 5G: Phiên bản nâng cấp với màn hình 120 Hz, chip Snapdragon 750G và thiết kế không đổi
0 Nhận xét