Giới khoa học đấu tranh bảo vệ “siêu xa lộ du mục” của các loài sinh vật biển

Nằm ẩn sâu dưới đáy Thái Bình Dương, một "siêu xa lộ" dưới nước trải dài khoảng 700 km nằm giữa các khu bảo tồn biển của Quần đảo Galapagos thuộc Ecuador và Đảo Cocos ngoài khơi bờ biển Costa Rica.

Đảo Cocos nằm cách bờ biển Costa Rica 340 km. Xa về phía nam khoảng 643,7 km là Quần đảo Galapagos. Cả hai đều được xem là nơi trú ẩn an toàn cho động vật hoang dã.

Tuyến đường huyết mạch này rất quan trọng với đời sống biển cả, bao gồm rùa biển, cá mập voi và cá mập đầu búa, chúng di chuyển qua lại giữa các hòn đảo, tìm kiếm nơi làm tổ hoặc kiếm ăn.

Nhưng tuyến đường biển này lại không hề an toàn. Không giống như các khu bảo tồn biển nằm ở mỗi đầu lộ trình, tuyến di lưu này lại tiếp đón cả những con tàu đánh cá. Dữ liệu cho thấy quần thể các loài di cư, trong đó có nhiều loài trong tình trạng bị đe dọa, đang suy giảm.

Đàn cá mập đầu búa di cư theo hải trình của mình.

Alex Hearn, giáo sư sinh học và thành viên sáng lập của MigraMar, một liên minh các nhà khoa học và các nhóm môi trường, cho biết việc bảo vệ các điểm nóng về đa dạng sinh học xung quanh các hòn đảo vẫn chưa đủ. Nhóm của ông đã vận động để bảo vệ toàn bộ tuyến đường di cư của sinh vật biển nơi đây, một khu vực trải dài hơn 240.000 km vuông, gần tương đương kích thước của Vương quốc Anh.

Nỗ lực này sẽ khiến các hạn chế đánh bắt cá được nới rộng vượt ra ngoài bán kính 22 km hiện tại xung quanh Đảo Cocos và bán kính 74 km xung quanh các đảo Galapagos, tạo một "con kênh" hẹp được bảo vệ giữa hai bên, dọc theo một chuỗi núi ngầm dưới biển.

Giống như các điểm mốc cho đại dương, các dãy núi ngầm này rất quan trọng cho việc điều hướng. Được tạo nên từ dung nham, chúng phát ra các tín hiệu từ tính mà một số loài, chẳng hạn như cá mập đầu búa và rùa biển, dựa vào đó để xác định vị trí của mình, Hearn giải thích. Ông nói rằng những thứ này đóng vai trò như "bước đệm", là nơi để các sinh vật biển kiếm ăn và nghỉ ngơi trong quá trình di cư.

Ứng dụng những thẻ cảm biến

Trong hơn một thập kỷ, mạng lưới các nhà khoa học của MigraMar đã cố gắng chứng minh tầm quan trọng của đường di cư bằng cách ghi lại các thông tin từ các loài sinh vật sử dụng nó. Họ đã đặt các thẻ tín hiệu vệ tinh và siêu âm trên gần 400 sinh vật biển để theo dõi các tuyến đường di cư của chúng.

MigraMar đã cố gắng bảo vệ tuyến đường di cư bằng cách gắn thẻ tín hiệu vệ tinh và siêu âm cho các loài riêng lẻ nhằm ghi lại hoạt động của chúng.

Cho đến nay, các nhà khoa học đã theo dõi thành công quá trình di cư của cá mập voi (whale shark), cá mập đầu búa (hammerhead shark), cá mập da mượt (silky shark), rùa luýt (leatherback turtle) và rùa xanh (green turtle) giữa hai hòn đảo. Vào tháng 2, lần đầu tiên họ phát hiện ra bằng chứng về cá mập hổ, khi một con cá mập hổ cái dài 2,7 m được các nhà khoa học gắn thẻ ở Galapagos bảy năm trước xuất hiện tại đảo Cocos.

Dữ liệu phân tích từ các thẻ tín hiệu ghi lại được về một số loài sinh vật biển. (Nguồn: MigraMar).

Tất cả các loài này đều đang bị suy giảm dân số và được xếp vào danh sách các loài dễ bị tổn thương, nguy cấp hoặc cực kỳ nguy cấp, ngoại trừ loài cá mập hổ được coi là gần như bị đe dọa. Todd Steiner, giám đốc điều hành của Turtle Island Restoration Network và một thành viên sáng lập khác của MigraMar, cho biết cá mập hổ là một trong những động vật săn mồi hàng đầu ở Thái Bình Dương, việc bảo vệ đường di cư của chúng rất quan trọng.

Quan điểm trái ngược

Mối đe dọa phổ biến nhất đối với các loài di cư này là hành động đánh bắt cá. Chúng có thể bị tàu đánh cá vô tình bắt được, mắc vào lưới hoặc đối với những con cá mập đó là việc bị săn bắt trái phép để lấy thịt và vây.

So với các mối đe dọa khác mà chúng phải đối mặt, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, thì hạn chế đánh bắt cá dễ dàng hơn đối với chúng tôi, Steiner nói.

Ông giải thích, các quốc gia ven biển có thể hạn chế các hoạt động trong lãnh hải của họ và đường di cư của Cocos-Galapagos thuộc thẩm quyền của cả Ecuador và Costa Rica. "Một vài chữ ký trên một mảnh giấy có thể bắt đầu quá trình bảo vệ khu vực sinh thái cực kỳ quan trọng này", ông nói.

Các nhà khoa học đã gắn cảm biến lên các loài sinh vật biển như cá mập voi để theo dõi lộ trình di cư của chúng.

MigraMar và tổ chức môi trường Pacifico đã sản xuất nên tập tài liệu nêu rõ sự cần thiết phải tạo đường di cư, bao gồm "khu vực cấm" nhằm ngăn chặn các hoạt động gây xáo trộn của con người như đánh bắt cá hoặc nạo vét, hoặc tạo nên các khu vực quản lý chỉ cho phép hoạt động đánh bắt theo mùa và duy trì được tính bền vững.

Carlos Chacón, điều phối viên của Pacífico, nói rằng việc tìm kiếm "khu vực chung" với ngành đánh bắt cá sẽ rất quan trọng trong việc phê chuẩn đường di cư như là một khu bảo tồn biển (MPA). Đề xuất này đã vấp phải sự phản đối từ ngành đánh bắt cá ở cả hai quốc gia và cho rằng nó sẽ có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, ông nói.

Atunec, Hiệp hội thuyền cá ngừ Ecuador, đã phản đối một đề xuất khác nhằm mở rộng khu bảo tồn biển Galapagos vào năm ngoái, khi cho rằng khu vực này rất dồi dào để đánh bắt cá và việc tạo ra một khu vực cấm sẽ làm giảm sản lượng đó.

Rùa luýt, được xếp vào danh sách dễ bị tổn thương, cũng sử dụng tuyến di cư này.

Tuy nhiên, Chacón tin rằng về lâu dài các khu bảo tồn biển sẽ có tác động tích cực đến hoạt động đánh bắt. Ông nói các khu vực này sẽ trở thành vườn ươm, nơi cá phát triển và sinh sản, khiến trữ lượng tổng thể tăng lên và có thêm nhiều trữ lượng bên ngoài khu bảo tồn.

Nó cũng có thể có lợi ích kinh tế trong các lĩnh vực khác. Cocos và Galapagos thu hút du khách nhờ sự đa dạng sinh học phong phú và việc bảo tồn các sinh vật biển mang tính biểu tượng có thể bảo vệ ngành du lịch.

Thời gian không chờ đợi

Ecuador và Costa Rica hiện đang xem xét các kế hoạch bảo vệ tuyến đường di cư, trong đó dữ liệu của MigraMar đang được sử dụng để bổ trợ cho các quyết định của họ.

Cả hai quốc gia đều đã đăng ký vào Global Ocean Alliance, một sáng kiến ​​do Vương quốc Anh đứng đầu nhằm kêu gọi đến năm 2030 phải bảo vệ được 30% đại dương. Điều này đã cho thấy phần nào ý chí chính trị, nhưng chỉ với vùng biển được bảo vệ an toàn ở mức độ 13% của Ecuador và 3% của Costa cho đến nay, các nước cần chuyển ý chí này thành hành động.

Ngăn chặn việc tàu đánh cá đi vào tuyến đường di cư có thể giúp bảo vệ loài cá mập đầu búa đang có nguy cơ tuyệt chủng. (Ảnh: Cesar Peñaherrera).

Haydée Rodríguez Romero, thứ trưởng về nước và đại dương của Costa Rica cho biết chính phủ nước này đang "thực hiện chiến lược tăng cường bảo tồn, đặc biệt là bằng cách tạo ra và củng cố các khu bảo tồn biển". Điều này sẽ liên quan đến việc tăng cường bảo tồn xung quanh Đảo Cocos, cô nói và bổ sung rằng "chúng tôi thừa nhận tầm quan trọng của việc bảo vệ các tuyến di cư".

Theo CNN, có thông tin cho rằng chính phủ Ecuador đang xem xét việc mở rộng Khu bảo tồn biển Galapagos, bao phủ toàn bộ phía Ecuador của tuyến di cư. Rodríguez Romero nói rằng hai nước đang thảo luận về các khu bảo tồn biển và thực thi pháp luật trên đại dương.

"Động lực đang được xây dựng và tính chất khoa học đã rõ ràng. Chúng tôi hy vọng rằng hành động sẽ được thực hiện trong tương lai gần", Steiner cho biết. Nhưng ông cảnh báo rằng với một số loài đang bị đe dọa tuyệt chủng, các chính phủ cần phải hành động nhanh chóng.

"Chúng ta đã có những bước đi chập chững đầu tiên, nhưng những loài có nguy cơ tuyệt chủng không thể chờ đợi chúng ta", ông nói.

Giang Vu (theo CNN)

Adblock test (Why?)


Xem Chi Tiết Ở Đây >>>
Bạn có thể quan tâm:
>> Máy nhồi bột Bear có tốt không? Địa chỉ mua máy nhồi bột Bear chính hãng
>> Nồi phủ sứ an toàn Honey's HO-AP2C182 size 18 màu vàng
>> Trên tay Galaxy A52 5G: Phiên bản nâng cấp với màn hình 120 Hz, chip Snapdragon 750G và thiết kế không đổi

Đăng nhận xét

0 Nhận xét