Google đổi thành Alphabet với tham vọng biến công nghệ "viễn tưởng" thành hiện thực nhưng chưa thành công. Facebook có thể lặp lại vấn đề này.
Công ty Facebook giờ đây không còn được gọi là Facebook. Hôm 28/10, CEO Mark Zuckerberg đã công bố tên mới là Meta với tham vọng vượt khỏi khuôn khổ nền tảng truyền thông xã hội truyền thống để xây dựng cái gọi là vũ trụ ảo metaverse. Ông tin rằng đây sẽ là làn sóng công nghệ tiếp theo, với thế giới được trải nghiệm thông qua kính VR, AR.
Theo CNBC, đó là bước đi mạo hiểm của một công ty đang được định giá 900 tỷ USD. Mảng kinh doanh quảng cáo số mang tính cốt lõi của Facebook vẫn đang tiếp tục phát triển, nhưng giờ Zuckerberg có kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD mỗi năm để biến một khái niệm mang tính khoa học viễn tưởng thành hiện thực.
Thay đổi của Facebook giống với những gì mà Google đã làm năm 2015, khi chọn thương hiệu Alphabet đại diện cho tập hợp các dịch vụ của mình. Không còn giới hạn ở mảng tìm kiếm trực tuyến, tên gọi mới thể hiện tham vọng của Google ở mảng xe tự lái, phần cứng di động, siêu máy tính, thậm chí là nghiên cứu sự bất tử của con người.Kết quả là sau 6 năm, Alphabet vẫn chưa đạt được thành tựu đáng kể, dù đã chi hàng tỷ USD cho các bộ phận mới. Theo các chuyên gia, Facebook dường như đang đi vào "vết xe" của Google, nhưng cách tiếp cận của Meta tập trung hơn Alphabet.
Cả Facebook và Google có cùng hướng đi, là dùng tiền từ hoạt động kinh doanh quảng cáo để đầu tư vào các công nghệ tương lai. Thực tế, mô hình kinh doanh cốt lõi của cả hai vẫn là quảng cáo kỹ thuật số. Họ sử dụng "cỗ máy in tiền" này để phát triển các công nghệ và dự án được dự đoán sẽ trở thành xu hướng trong nhiều năm tới.
Nhưng cho đến nay, các dự án mới của Alphabet vẫn chưa mang lại lợi nhuận. Google đã thu hồi, sáp nhập và thậm chí "khai tử" hàng loạt mảng kinh doanh khác của Alphabet, gọi là Other Bets. Chẳng hạn, bộ phận nhà thông minh Nest bị giảm quy mô đáng kể, trong khi dự án cung cấp Internet qua khinh khí cầu Project Loon đã bị hủy bỏ. Thống kê cho thấy, Other Bets đã mất 1,29 tỷ USD trong quý III/2021.
"Đó sẽ là một cảnh báo cho Meta, rằng ngay cả những ý tưởng tham vọng nhất cũng đòi hỏi nhiều thời gian và tiền bạc, kể cả khi nó thuộc về một công ty giao dịch công khai và có nhiều tiền", CNBC bình luận.
Tuy nhiên, Zuckerberg sẽ không "biến mất" như Larry Page. Khi Google tái cơ cấu thành Alphabet, Page giữ vai trò là người đồng sáng lập kiêm CEO, nhưng chuyển giao mảng kinh doanh của Google cho Sundar Pichai. Sau một thời gian, ông dần biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng. Ông không xuất hiện nhiều như Pichai hay CFO Ruth Porat dù điều hành công ty hàng ngày. Cuối cùng, Page từ chức CEO và trao cho Pichai quyền kiểm soát Alphabet.
Nhưng Zuckerberg không như vậy. Trong sự kiện Facebook Connect, ông nói rõ mình sẽ vẫn là gương mặt đại diện cho hướng đi mới của Meta những năm tới. Có nghĩa, ông cũng sẽ luôn được nhắc tới trong bất kỳ cuộc tranh cãi nào xảy ra với công ty mới trong tương lai.
Một câu hỏi được đặt ra là Zuckerberg được phép chi bao nhiêu cho tham vọng metaverse. Tuần trước, CEO 37 tuổi cho biết Meta dự kiến đầu tư khoảng 10 tỷ USD trong năm tới để thuê nhân viên và phát triển công nghệ vũ trụ ảo. Tuy nhiên, ông thừa nhận công nghệ cần thiết để biến metaverse thành hiện thực còn khá xa vời, có thể mất 10 năm hoặc hơn.
Như vậy, công ty Meta có thể sẽ cần rất nhiều thời gian và tiền bạc để xây dựng metaverse. Trong khi đó, trong một số giai đoạn, các nhà đầu tư Facebook có thể mất kiên nhẫn khi chờ đợi điều đó xảy ra.
Bảo Lâm
Xem Chi Tiết Ở Đây >>>
Bạn có thể quan tâm:
>> Máy nhồi bột Bear có tốt không? Địa chỉ mua máy nhồi bột Bear chính hãng
>> Nồi phủ sứ an toàn Honey's HO-AP2C182 size 18 màu vàng
>> Trên tay Galaxy A52 5G: Phiên bản nâng cấp với màn hình 120 Hz, chip Snapdragon 750G và thiết kế không đổi
0 Nhận xét